Trong 10 năm qua, đã có 15 triệu lao động có việc làm, trong đó, khoảng 50% làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này có việc nhưng lại không năng suất (năng suất trong ngành nông nghiệp chỉ bằng 1/4 ngành công nghiệp và bằng 1/3 ngành dịch vụ).
Theo kết quả khảo sát của Văn phòng Hỗ trợ Tư vấn Phản biện và Giám định Xã hội (thuộc Liên các Hội KHKT Việt Nam), trong 10 năm qua (2001- 2010), đã có 15 triệu lao động có việc làm, trong đó, khoảng 50% làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này có việc nhưng lại không năng suất (năng suất trong ngành nông nghiệp chỉ bằng 1/4 ngành công nghiệp và bằng 1/3 ngành dịch vụ).
Cũng theo báo cáo này, trong 10 năm qua, có khoảng 65% doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ có năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu, hoạt động thiếu hiệu quả và sản xuất các sản phẩm thiếu giá trị gia tăng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn lao động Việt Nam dễ gặp phải rủi ro khi không được bảo vệ bởi hệ thống bảo trợ xã hội vì họ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc khu vực phi chính thức. Trong khi nhận thức cũng như việc tuân thủ quy định đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn kém. Ngoài ra, việc chấp hành và thực hiện Bộ Luật lao động kém trong khi Bộ luật áp dụng không đồng đều với các loại hình doanh nghiệp khác nhau cũng là cản trở khiến cho người lao động luôn trở thành kẻ “thấp cổ bé họng” phải chịu thiệt thòi về quyền lợi.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, trên một nửa số doanh nghiệp có quy mô lao động nhỏ, ít hơn 10 lao động và chưa đầy 2% doanh nghiệp tuyển dụng hơn 200 lao động, chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam. Doanh nghiệp ở các ngành có khả năng có giá trị sản xuất cao như sản xuất công nghiệp và thương mại sử dụng ít lao động trong khi đó ngành nông nghiệp lại tạo ra 48,7% việc làm và chỉ đóng góp 22,1% GDP.
Tiếp đến là tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ xảy ra ở nhiều khu vực, lĩnh vực và ngành kinh tế khác nhau. Dư thừa lao động phổ thông và thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn trong tuyển dụng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và chế xuất phía Nam.
TS Papola, Văn phòng Hỗ trợ Tư vấn Phản biện và Giám định Xã hội nhận xét rằng, tuy việc làm đã tăng, số người có việc làm được ước tính tăng từ khoảng 35,6 triệu người năm 1997 lên 48 triệu người năm 2009, nhưng điều đó cũng không làm giảm thất nghiệp.Số người thất nghiệp đã tăng từ 1,05 triệu người năm 1997 lên 1,29 triệu người năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 2,9 năm 1997 xuống 2,3 năm 2000, nhưng đến năm 2009 lại tăng lên 2,6. Số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đáng kể trong năm 2008 và 2009 là do tác động kinh tế của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cũng theo TS Papola, Đề án 1956 đặt mục tiêu đào tạo mỗi năm 1 triệu lao động nông thôn trong đó số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 1/3 nhưng do năng suất lao động trong nông nghiệp thấp nên nông nghiệp đang ngày càng không thu hút được những lao động trẻ. Xu hướng già hóa nông nghiệp chính là một trong những cản trở quan trọng cho việc đạt các mục tiêu này.
Cũng trong lần khảo sát này, nhóm chuyên gia của TS Papola nhận thấy, ngoài số người thất nghiệp thì chất lượng việc làm là một trong những thách thức lớn về việc làm mà Việt Nam phải đối mặt. Đại đa số việc làm nằm trong khu vực phi chính thức hoặc loại hình phi chính thức, việc làm không thường xuyên và không có bảo trợ xã hội. Khoảng 3/4 trong tổng số việc làm được đánh giá là “dễ bị tổn thương”, như việc làm gia đình không được trả lương hoặc tự làm; thu nhập không ổn định và dao động.
Dự báo, 10 năm sau, lao động trong ngành nông nghiệp sẽ giảm xuống cả về tỷ trọng và số lượng, trong khi đó số lao động trong ngành thương mại và dịch vụ sẽ tăng lên cả về tỷ trọng và số lượng.